Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Giáo dục giới tính là gì?

Giáo dục giới tính là điều vô cùng quan trọng. Ai cũng biết điều này, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về định nghĩa của nó. Cùng đi tìm câu trả lời bằng cách nhìn vào thực tế của việc giáo dục giới tính ở Việt Nam nhé!


Giáo dục giới tính là gì?


Giáo dục giới tính thường được hiểu là môn học về giải phẫu sinh học bộ phận sinh dục của người, quan hệ tình dục và sức khoẻ sinh sản. Theo từ điển bách khoa Việt nam thì môn học này giúp cho người ta có ý thức và biết đánh giá đúng đắn hành vi của mình và của người khác trong mối quan hệ với người khác giới; xây dựng đúng đắn tình bạn, tình yêu chân chính, chuẩn bị về mặt tâm lý và thực tiễn cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, tư cách làm cha, làm mẹ trong tương lai.

Giáo dục giới tính ở môi trường học đường


Khi môn học này được đưa vào các trường phổ thông ở Việt Nam, đã có nhiều ý kiến trái ngược về việc có nên dạy hay không môn học này cho học sinh và nếu dạy thì nên bắt đầu ở độ tuổi bao nhiêu. Các nhà tâm lý và chuyên gia giáo dục cho rằng môn học là cần thiết để trang bị kiến thức vào đời cho các em. Nhưng có không ít cha mẹ học sinh và thậm chí cả giáo viên thì cho rằng không cần thiết bởi vì dạy như vậy chả khác gì vẽ đường cho hươu chạy.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng thì môn học này cũng được đưa vào giảng dạy, và được chia làm nhiều phần tách biệt. Phần giới thiệu về cấu tạo sinh dục và sức khoẻ sinh sản được dành cho môn sinh học. Còn phần giáo dục về sức khỏe tình dục được phân vào môn giáo dục giới tính.

Chỉ học giáo dục giới tính trong trường chưa đủ


Phần lớn các bạn đã qua tuổi teen đều cho rằng những kiến thức của môn học này trong trường dù rất bổ ích nhưng lại chưa đủ. Vì thế các bạn thường phải tự tìm hiểu thêm bằng cách vào internet hoặc đọc sách báo. 

Hiện ở Việt nam, việc tìm các thông tin về giáo dục giới tính trên mạng cũng không phải là khó khăn. Chỉ cần bấm các chữ như ‘giáo dục giới tính’ hay ‘tình dục’ là người ta có thể thấy vô vàn các trang thông tin, diễn đàn về chủ đề này. Thêm vào đó các sách y học trong và ngoài nước dạy về vấn đề này cũng có thể tìm thấy rất nhiều ở các hiệu sách trên phố.

Một nguồn thông tin nữa mà các bạn trẻ, nhất là các bạn gái có thể sử dụng để tìm hiểu thêm là từ bạn bè và cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nói chuyện này với mẹ mình và không phải bà mẹ nào cũng cảm thấy dễ dàng khi đề cập đến vấn đề này với con gái.

Năm ngoái hãng Kotex đã công bố kết quả điều tra của phụ nữ châu Á về những hiểu biết của họ liên quan đến cơ thể mình. Cuộc điều tra tiến hành trên 2,000 phụ nữ từ độ tuổi 16 đên 24 ở 6 quốc gia châu Á. Riêng tại Việt nam, 91% phụ nữ không hiểu hoặc hiểu biết sai lệch về chính cơ thể mình. Có đến 71% bạn gái được hỏi cho rằng mặc áo ngực có thể gây bệnh ung thư, 62% không biết màng trinh là gì, 77% không thể trả lời các câu hỏi về thai nghén, sức khoẻ sinh sản, giới tính…

Thậm chí có bạn trẻ học cấp ba vẫn còn tin vào những quan niệm truyền thống sai lệch như ăn nhiều dứa và dưa hấu sẽ bị sẩy thai, phụ nữ trong chu kỳ thường bị chó mèo tấn công nhiều hơn, hoặc xuống hồ bơi chung với đàn ông sẽ dính bầu…

Thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, và sức khoẻ sinh sản cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn ở các bạn trẻ và việc nạo phá thai tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo thống kê của Hội kế hoạch hoá gia đình, Việt nam là một trong 3 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới từ 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca mỗi năm, trong đó 20% thuộc lứa tuổi vị thành niên. Đó là chưa kể những ca nạo phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân không kiểm soát và thống kê được mặc dù rất nguy hiểm.


Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tìm hiểu và tự khẳng định mình của con người ngày một lớn. Ngày nay, trong giáo dục giới tính, người ta không chỉ bó gọn trong các vấn đề như sức khỏe sinh sản, tình dục khác giới, mà còn nói đến đồng tính luyến ái, một vấn đề còn khá nhạy cảm ở Việt nam. Chính vì thế môn giáo dục giới tính trong các trường phổ thông cũng cần phải được cập nhật để theo kịp thời đại, đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét