Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Giáo dục giới tính ở nhà trường

Giáo dục giới tính là môn học nhằm chuẩn bị cho thanh thiếu niên những hiểu biết để bước vào đời, để biết cách ứng xử với nhau một cách tôn trọng và có trách nhiệm và cũng để biết tự bảo vệ sức khỏe sinh sản. Mục đích sâu xa và quan trọng nhất của môn học này là xây dựng nhân cách cho vị thành niên, sao cho nhân cách ấy phất triển phù hợp với những yêu cầu, kỳ vọng của xã hội hiện đại. Với mục đích ấy, tại sao môn học này lại gặp khó khăn khi nhiều người muốn nó được giảng dạy trong nhà trường?

Ngay cả ở các nước đã phát triển trên thế giới (như Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp…) con đường đi tới sự chấp nhận của xã hội đối với môn học giáo dục giới tính cũng rất gian nan, vất vả. Ở Việt Nam, cố nhà văn Vũ Trọng Phụng có lẽ là người đầu tiên kêu gọi giáo dục giới tính từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhưng nhiều thập kỷ đã trôi qua, cho đến nay chúng ta vẫn chưa định hình được một chương trình giáo dục giới tính đích thực và phù hợp với nền văn hóa dân tộc và xu thế phát triển mới của xã hội Việt Nam.

Điểm khác biệt căn bản của giáo dục giới tính so với môn giáo dục công dân hay giáo dục dân số là định hướng: giáo dục giới tính hướng tới việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh và có trách nhiệm giữa nam và nữ, dạy cho con trai và con gái biết sống và ứng xử phù hợp với vai trò giới, có hiểu biết về chính cơ thể mình và về các vấn đề liên quan đến tính dục và sinh sản. về các nguy cơ của hành vi tình dục không an toàn để từ đó biết tự bảo vệ. Các em cần được chuẩn bị để biết suy nghĩ có trách nhiệm về hành vi tình dục, thay vì hành động theo bản năng, biết phòng tránh các thai nghén không mong muốn và các bệnh lây truyề qua đường tình dục, nhất là về những nguy cơ lây nhiễm HIV / AIDS.

Trong giáo dục giới tính, những kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) cần thiết cho vị thành niên nhưng chỉ nhằm giúp các em biết tự bảo vệ mình, biết tôn trọng mối quan hệ nam nữ bình đẳng và có trách nhiệm, biết sợ trước mối đe dọa của đại dịch HIV / AIDS, chứ không “vẽ đường cho hưu chạy” như nhiều người lo sợ. Kinh nghiệm của nhiều nước đã đưa giáo dục giới tính vào trường học cho thấy: sự hiểu biết của vị thành niên về sức khỏe sinh sản và tình dục đem lại nhiều lợi ích hơn là có hại.
giáo dục giới tính


Đặt tên cho môn học mang mục đích và định hướng nói trên là giáo dục giới tính có lẽ thích hợp ở nước ta, trong khi nhiều tên gọi khác cũng được sử dụng, ví dụ Nam Tư cũ đặt tên cho môn học là Giáo dục mối quan hệ nhân văn và có trách nhiệm giữa nam và nữ, Thái Lan gọi là Giáo dục đời sống gia đình, Thụy Điển gọi là vệ sinh tình dục… Tuy khác nhau về tên gọi nhưng cũng đều truyền tải một nội dung tương tự nhằm vào đối tượng thanh thiếu niên.

Giáo dục giới tính đã trở thành một yêu cầu bức xúc chưa?


Muốn trả lời câu hỏi này, chỉ cần xem xét những vấn đề mà lứa tuổi này đang gây ra cho gia đình và xã hội hiện nay. Nhiều người lo ngại giáo dục giới tính có thể khuyến khích thanh thiếu niên đi vào hoạt động tình dục, tuy nhiên khi những hồi chuông báo động về những biểu hiện không lành mạnh trong hành vi tính dục của thanh thiếu niên được gióng lên thì giáo dục giới tính vẫn chưa được đưa vào chương trình học đường, vì vậy không thể quy tội cho giáo dục giới tính là đã “vẽ đường cho hươu chạy”.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các khảo sát xã hội cho thấy rằng vị thành niên ngày nay bước vào đời sống tình dục sớm và không biết các phương pháp tự phòng vệ. Chuyện vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến hậu quả phải nạo thai, phải sinh đẻ rồi bỏ con đang được nói đến hàng ngày trên báo chí. Hậu quả của hành vi tinh dục sớm đối với sức khỏe sinh sản và tâm thần của thanh thiếu niên là không thể lường trước được (nhiễm khuẩn, vô sinh, trầm cảm…). Điều lo ngại là sự hiểu biết và ý thức tự bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm HIV hình như còn rất yếu trong thanh thiếu niên đã, đang hoặc sắp bước vào đời sống tình dục. Trong và sau tuổi dậy thì, sự quan tâm đến tình dục phát triển rất mạnh mẽ, không cưỡng lại được, cộng với bối cảnh xã hội ngày nay tạo nhiều điều kiện tự do và cám dỗ vị thành niên mà gia đình và nhà trường không thể kiểm soát được, cho nên vấn đề không phải là đề ra những ngăn cấm nghiệt ngã mà là cung cấp những hiểu biết để vị thành niên tự bảo vệ, biết thể hiện hành vi có trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau. Hành vi gây hại cho xã hội cũng như tệ nạn ma túy trong vị thành niên những năm gần đây cũng đã gia tăng và trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với những năm trước (Vị thành niên phạm tội, thực trạng nhức nhối, báo Khoa học và Đời sống, số 33, 16/8/1998), vì vậy giáo dục giới tính càng trở nên cần thiết vì môn học này chú ý trước tiên đến khía cạnh trách nhiệm, tâm lý, đạo đức, văn hóa ứng xử chứ không chỉ cung cấp những hiểu biết về sinh sản và tính dục. Vậy giáo dục giới tính không những là yêu cầu bức xúc hiện nay mà còn là chiến lược của chương trình dân số và phát triển toàn diện con người.

Chưa bao giờ giáo dục giới tính được quan tâm nhiều như hiện nay trên phạm vi toàn thế giới, nhất là sau hai hội nghị quốc tế ở Cairo năm 1994 (Dân số và Phát triển) và Bắc Kinh năm 1995 (Diễn đàn phụ nữ) vì xã hội nhân thấy những nguy cơ hiển nhiên của việc không coi trọng đúng mức ý nghĩa giáo dục và phòng ngừa của bộ môn khoa học này, đặc biệt ở những nước đang phải đối phó với những vấn đề về hành vi xã hội và hành vi tính dục của vị thành niên, đang tiến hành kiểm soát sự gia tăng dân số và phòng chống sự lan truyền của HIV / AIDS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét