Lựa chọn biện pháp tránh thai là điều quan trọng nếu như bạn chưa muốn có thai khi gần gũi người yêu của mình. Nhưng làm sao để chọn được biện pháp tránh thai phù hợp? Cùng tìm hiểu qua thắc mắc của một bạn gái và giải đáp từ bác sĩ chuyên khoa.
Thắc mắc về chọn lựa biện pháp tránh thai
Chào bác sĩ, em năm nay 26 tuổi, chuẩn bị kết hôn. Em muốn bác sĩ tư vấn giúp em về cách ngừa thai. Em muốn tránh thai trong khoảng 2 năm nhưng không biết biện pháp tránh thai nào là tốt nhất. Em muốn hỏi ngừa thai bằng thuốc tránh thai hàng ngày và tiêm thuốc thì biện pháp nào tốt hơn và ít tác dụng phụ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin chân thành cám ơn! (P.T)
Giải đáp giúp bạn chọn biện pháp tránh thai phù hợp
Bạn P.T thân mến!
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi chia sẻ đến với chúng tôi. Nếu bạn đã có ý định kế hoạch sau khi kết hôn thì nên tham khảo để chọn được biện pháp tránh thai tốt nhất cho vợ chồng mình. Hiện nay, có rất nhiều biện pháp tránh thai có sẵn để vợ chồng bạn lựa chọn, bao gồm: dùng bao cao su (cho nam, nữ), đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai (hàng ngày, khẩn cấp), tiêm tránh thai, que cấy tránh thai, dùng thuốc diệt tinh trùng, triệt sản...
Thuốc tránh thai hàng ngày và tiêm thuốc tránh thai là 2 trong số những biện pháp tránh thai tác động tới hormone trong cơ thể người phụ nữ.
Mỗi biện pháp tránh thai đều có ưu và nhược điểm riêng, cũng như có thể thích hợp với người này mà không phù hợp với người khác. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp đều có hiệu quả tránh thai cao nếu được sử dụng theo đúng chỉ dẫn. Vì vậy, khi quyết định chọn dùng biện pháp tránh thai nào, bạn cũng cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc tránh thai hàng ngày chứa 2 loại hormone sinh dục nữ là oestrogen và progesteron. Thuốc có tác dụng điều chỉnh các hormone, làm cho trứng không rụng, mỏng niêm mạc để trứng có rụng và thụ tinh thì cũng khó làm tổ. Thuốc còn làm đặc chất dịch nút cổ tử cung để cản tinh trùng đi qua, do vậy, nó có hiệu quả tránh thai tới 99%. Tuy nhiên, thuốc tránh thai hàng ngày cũng có thể gây ra 1 số tác dụng phụ như rong huyết, buồn nôn, cương vú, đau đầu, tăng cân nhẹ, vô kinh, thay đổi tâm trạng, trứng cá. Trong vòng ba tháng, cơ thể sẽ quen thuốc, các tác dụng phụ biến mất.
Tiêm tránh thai là cách tiêm hormone progesteron vào bắp tay, một lần tiêm có tác dụng 1 hoặc 3 tháng tùy loại. Biện pháp này cũng đạt hiệu quả tránh thai rất cao, gần 100%. Cũng giống như các biện pháp tránh thai khác, tiêm tránh thai cũng có thể có các tác dụng phụ như làm thay đổi chu kì kinh nguyệt, rong hoặc mất kinh...
Bạn nên đi khám phụ khoa để được bác sĩ tư vấn cách tránh thai phù hợp nhất với sức khỏe của mình. Bạn không nên tự ý tránh thai bằng cách như vệ sinh sau khi quan hệ, đứng sau khi quan hệ... bởi các biện pháp không khoa học và hoàn toàn không có tác dụng tránh thai.
Chúc vợ chồng bạn vui khỏe!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét